Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CL KIM CƯƠNG

TIÊU CHUẨN 4C TRONG ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG KIM CƯƠNG

  COLOUR (Màu sắc)
Màu của kim cương được chia thành hai nhóm chính như sau:
- Nhóm kim cương không màu (hoặc cho đến màu vàng nhạt, nâu nhạt hoặc xám nhạt)
Mỗi cấp màu trong nhóm này sẽ được mô tả bằng một chữ cái hoặc một nhóm chữ cái (từ D đến Z) cùng với một thuật ngữ mô tả tương ứng. Màu sắc của kim cương được xác định bằng cách so sánh trực quan với một loạt các mẫu chuẩn, bản thân các mẫu chuẩn này được bắt nguồn từ các mẫu ban đầu được dùng để xác lập các cấp màu sắc. Màu được xác định bởi một nhà chuyên môn được đào tạo, có thị giác và khả năng phân biệt màu bình thường, dưới một nguồn sáng chuẩn nhân tạo tương đương 5000o/5500o Kelvin với chỉ số kỹ thuật thay đổi từ D55 đến D65 (Uỷ ban chiếu sang Quốc tế CIE, nguồn sáng chuẩn).


Thang phân cấp chất lượng màu sắc (từ D-Z)
Bộ mẫu chuẩn màu GIA
- Nhóm kim cương có màu: Thuật ngữ để chỉ nhóm kim cương này trong tiếng Anh là “fancy”, và trong tiếng Việt được gọi là “có màu” để phân biệt hai nhóm kim cương không màu và có màu. Thuật ngữ này để mô tả những viên kim cương có màu vàng, màu nâu, màu xám, có tông màu tối hơn và (hoặc) độ bão hoà màu cao hơn so với màu chuẩn Z và tất cả các viên kim cương có màu tự nhiên khác với một gam màu rõ ràng.
Với kim cương màu không áp dụng tiêu chuẩn 4C
CLARITY (Độ tinh khiết)

Độ tinh khiết của viên kim cương là mức độ chứa tương đối các bao thể bên trong và các khuyết tật bên ngoài của viên kim cương đó, chúng được xác định bởi một nhà chuyên môn được đào tạo, có thị giác bình thường và sử dụng kính phóng đại tiêu sắc và tương phẳng dưới nguồn sáng chuẩn có chỉ số kỹ thuật từ D55-D65 (CIE).
Tất cả các đặc điểm bên trong thấy được đều là các bao thể, đó là:
- Các bao thể kết tinh và rắn, các đám mây, sợi, kim , que, chấm, đốm,…
- Các khe nứt, các khe nứt dạng lông chim nằm trong lòng viên kim cương hoặc tại phần thắt lưng.
- Các hiện tượng cấu trúc là các dấu hiệu phản ánh quá trình sinh trưởng của tinh thể.
Các dấu hiện bên ngoài mà không thể loại bỏ được bàng cách đánh bóng lại mà không dẫn tới làm mất trọng lượng đáng kể. Tất cả các dấu hiệu này đều phải tính đến khi đánh giá độ tinh khiết của viên kim cương.
Dựa trên mức độ chứa các bao thể bên trong và các khuyết tật bên ngoài, người ta phân độ tinh khiết (độ sạch) của viên kim cương ra các cấp sau:
FL hoặc IF (flawless hoặc internal flawless): Là những viên kim cương không có các khuyết tật bên trong khi quan sát dưới độ phóng đại 10X.
VVS (very very small inclusions): Là những viên kim cương chứa các khuyết tật bên trong (bao thể) rất nhỏ khi quan sát ở độ phóng đại 10X. Trong cấp này, tuỳ theo mức độ thấy được của các bao thể mà người phân ra hai phụ cấp là VVS1 và VVS2.
VS (very small inclusions): Là những viên kim cương chứa các khuyết tật bên trong (bao thể) nhỏ khi quan sát dưới độ phóng đại 10X. Trong cấp này cũng tuỳ theo mức độ thấy được của các bao thể mà người phân ra hai phụ cấp là VS1 và VS2.
SI (small inclusions): Là những viên kim cương chứa các khuyết tật bên trong (bao thể) nhìn thấy rõ khi quan sát dưới độ phóng đại 10X. Trong cấp này cũng tuỳ thuộc vào mức độ thấy được của các bao thể mà người ta phân ra làm hai phụ cấp là SI1 và SI2.
P (pique): Là những viên kim cương chứa các khuyết tật bên trong (bao thể) nhĩn thấy rất rõ khi quan sát ở độ phóng đại 10X. Trong cấp này tuỳ theo mức độ chứa các khuyết tật người ta phân ra làm 3 phụ cấp là P1, P2 và P3. Ở các phụ cấp P2 và P3 có thể dễ dàng nhìn thấy các bao thể và khuyết tật bằng mắt thường.

Thang độ tinh khiết của VGC
CUT (Chất lượng chế tác)

Chất lượng chế tác của một viên kim cương được đặc trưng bởi 3 yếu tố sau:
- Hình dáng: Là hình dáng chung của viên kim cương, kết hợp với sự phân bố của các mặt giác.
- Độ cân đối: Là quan hệ giữa các phần khác nhau của viên kim cương và đường kính theo thắt lưng. Khi đánh giá độ cân đối cần phải chú ý đến các yếu tố sau: đường kính trung bình của thắt lưng, kích thước mặt bàn, chiều cao phần nóc và góc phần nóc, độ dày phần đáy và góc phần đáy, độ đày thắt lưng,...
- Độ hoàn thiện: Chất lượng bề mặt của viên kim cương đã chế tác, độ chính xác về hình dạng và sự sắp xếp của các mặt giác. Khi đánh giá ta phải chú ý đến độ bóng và độ đối xứng của các mặt giác.
Các bộ phận của một viên kim cương đã chế tác
Khi cắt chuẩn viên kim cương sẽ cho phản xạ ánh sáng tối đa
Cách cắt dựa vào góc độ và tỷ lệ mà một người thợ kinh nghiệm thực hiện trong việc tạo hình từ một viên kim cương thô trở thành hòan chỉnh. Những viên kim cương được cắt quá sâu hay quá nông làm giảm hay bị lộ sáng từ cạnh hoặc đáy, kết quả là không có sự phản xạ toàn phần của tia sáng khi chiếu vào viên kim cương và do vậy vẻ đẹp của viên kim cương bị giảm đi rất nhiều.
Tuỳ thuộc vào các yếu tố trên mà người ta phân chất lượng chế tác ra 4 cấp sau : Rất tốt, Tốt, Trung bình và Kém.
CARAT WEIGHT (Khối lượng)
Khối lượng của viên kim cương được tính bằng carat, một carat tương đương 200 mg. Một carat cũng có thể được chia nhỏ thành 100 điểm (points). Một viên kim cương 0.75 carat cũng gọi là viên 75 điểm hay viên ¾ carat. Những viên kim cương lớn tìm thấy trong tự nhiên tương đối hiếm, vì thế chúng rất có giá trị.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa carat và karat. Carat chỉ khối lượng của kim cương trong khi karat chỉ độ tinh chất của vàng (không phải khối lượng), bạn có thể nói 1 viên kim cương 1 carat đặt trong vàng 18 karat chẳng hạn.
Tương quan giữa kích thước và trọng lượng

                                                                                                        TS. Phạm Văn Long
                                                                                      Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Kiểm định
                                                                                                                      Đá quý và Vàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Múa sắm đá quý uy tín chất lượng chỉ có tại LinaGem Stone